Luật sư chuyên tư vấn thế nào là cho vay nặng lãi?
Luật sư chuyên tư vấn thế nào là cho vay nặng lãi?
Luật sư chuyên tư vấn thế nào là cho vay nặng lãi?
Cho vay nặng lãi là gì?
Cho vay nặng lãi là cụm từ phổ biến để chỉ những trường hợp cho vay với lãi suất cao, còn theo Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP gọi là “cho vay lãi nặng”.
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.
Lãi suất bao nhiêu thì được coi là cho vay nặng lãi?
Căn cứ theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể về lãi suất cho vay như sau:
“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác."
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực."
Theo đó thì lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay.
Như vậy lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng.
Khi nào cho vay nặng lãi bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:
“Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Từ quy định của luật có thể hiểu:
Các khoản giao dịch vay lãi suất dưới 20%/năm là giao dịch có lãi suất hợp pháp.
Các giao dịch có lãi suất từ 20% - dưới 100%/ năm là giao dịch có lãi suất vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự mà sẽ bị xử phạt hành chính. Điều 16 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:
"Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi Lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự."
Người nào cho vay với lãi suất trên 100%/ năm có thể bị truy cứu TNHS tội cho vay lãi nặng. Trong đó, tùy mức độ vi phạm, người phạm có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 03 năm.
Cho vay với lãi suất trên 100% mỗi năm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Có thể khởi kiện người cho vay nặng lãi không?
Theo phân tích ở trên, nếu cho vay với số lãi vượt quá 20%/năm thì số lãi vượt quá đó sẽ không có hiệu lực. Do đó, bên vay có thể làm đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án tuyên bố phần lãi suất vượt quá vô hiệu.
Để khởi kiện bên cho vay, người vay phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:
-
Đơn khởi kiện;
-
Bản sao hợp đồng vay tiền.
-
Bản sao chứng thực giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, CCCD… của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
-
Các tài liệu, chứng cứ khác.
Nếu có bất kỳ khó khăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ khởi kiện hoặc soạn đơn khởi kiện thì quý khách hàng vui lòng liên hệ VPLS GIA ĐÌNH để được đội ngũ luật sư giỏi hình sự, luật sư chuyên giải quyết các vụ việc dân sự hỗ trợ soạn thảo đơn một cách chính xác, nhanh chóng, đúng luật.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên, người khởi kiện có thể nộp đến Tòa án có thẩm quyền thông qua cách nộp trực tiếp tại Tòa, gửi theo đường bưu điện hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Mẫu đơn tố cáo cho vay nặng lãi.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–……., ngày…. tháng…. năm ……
ĐƠN TỐ CÁO
Kính gửi: …………………………………………………………………………………………………
Tên tôi là:…………………………………………………………………………………………………
Địa chỉ:……………………………………………………………………………………………………
Tôi làm đơn này tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của:…………………………………
Nay tôi đề nghị:………………………………………………………………………………………..
Tôi xin cam đoan những nội dung tố cáo trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cố tình tố cáo sai.
NGƯỜI TỐ CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên)
Hướng dẫn viết mẫu đơn tố cáo cho vay nặng lãi
Nội dung đơn tố cáo sẽ quyết định 80% nội dung trình báo có được thụ lý giải quyết hay không. Ngoài ra, nội dung đơn tố cáo cần thận trọng để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có. Vì vậy, bạn có thể tham khảo hướng dẫn cơ bản về cách viết đơn tố cáo cho vay nặng lãi sau đây của Luật sư:
* Mục: “Kính gửi…”
Cần xác định đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc – cơ quan công an nơi xảy ra hành vi phạm tội;
* Mục: “Tên tôi là…” và “Địa chỉ…”, cung cấp đúng, đủ thông tin của người tố cáo;
Nhiều bạn đọc có hỏi: Có nên cung cấp đúng thông tin cá nhân khi trình báo, tố cáo tội phạm không?
Luật sư giải đáp: Đối với các hành vi xâm phạm trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, bạn nên cung cấp đúng thông tin để phía cơ quan điều tra tiện xác minh trong quá trình giải quyết vụ việc.
* Mục: “Tôi làm đơn này tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của…”
Tại mục này, người trình báo, tố cáo cần làm rõ và nổi bật các tình tiết, sự việc xảy ra trong quan hệ vay, nợ theo đúng trình tự của sự việc, Cụ thể:
- Thời điểm diễn ra sự việc, địa điểm, thời gian;
- Tại thời điểm đó có những ai chứng kiến;
- Các bên giao dịch với nhau bằng hình thức nào (văn bản thông thường hay có video ghi hình không?);
- Thời điểm đối tượng có hành vi thu tiền lãi vay; đối tượng có dùng biện pháp vũ lực, cưỡng ép yêu cầu thanh toán tiền lãi vay không?
- Các bên thanh toán với nhau bằng hình thức gì?
- Có bằng chứng, tài liệu chứng cứ gì kèm theo?
- Và các nội dung khác theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
* Mục: “Nay tôi đề nghị…”
Tại mục này, người có đơn tố cáo cần chốt lại nội dung đề nghị tới cơ quan điều tra. Đây cũng là nội dung quan trọng và cần cân nhắc, suy xét kỹ lưỡng. Bởi lẽ, nếu nội dung đề nghị không đúng hoặc vượt quá phạm vi vụ việc bạn có thể bị đối phương tố cáo về hành vi vu khống.